Xu hướng sạc pin ô tô điện tại nhà

Dù chưa thực sự có một hệ thống trạm sạc công cộng đủ phục vụ nhu cầu, thị trường ô tô điện tại Việt Nam vẫn tìm ra hướng phát triển riêng như một xu thế tất yếu. Một trong những giải pháp hợp lý đang được người dùng xe điện áp dụng trong thời gian gần đây là lắp đặt thêm bộ sạc tại nhà (Home Charger).

Cung không đủ cầu

 

Kể từ đầu năm 2023, thị trường ô tô điện tại Việt Nam bắt đầu có những bước tiến mạnh mẽ. Doanh số ô tô điện của VinFast, bao gồm VF e34 và VF 8 tăng lên nhanh chóng và ổn định trong top 10 ô tô bán chạy nhất của tháng. Đặc biệt, kể từ khi Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) ra mắt dịch vụ taxi điện, lượng khách hàng doanh nghiệp mua và thuê xe điện VinFast ngày càng gia tăng. Theo đó, đa số đối tác doanh nghiệp ưu tiên chọn lựa VF e34 và VF 5 Plus để phục vụ hoạt động vận tải bằng taxi. Lý do chính cho sự chọn lựa này là kích thước nhỏ gọn, giá thành rẻ hơn nhiều so với VF 8 và VF 9.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và VinFast, trong tháng 7/2023, VinFast VF 5 Plus đạt doanh số 1.000 chiếc, lần đầu tiên lọt vào danh sách top 10 xe bán chạy nhất của tháng. Trong số này, hầu hết khách hàng mua VF 5 Plus thuộc nhóm khách hàng doanh nghiệp để phục vụ kinh doanh vận tải. Các đối tác chính của VinFast và GSM có thể kể đến như Ahamove, Be Group, Lado Taxi, Én Vàng, ASV Airports Taxi…

Hiện tại, bản đồ trạm sạc ô tô điện của VinFast tại những thành phố lớn như Hà Nội đang được ưu tiên đặt tại các địa điểm như đường quốc lộ, cao tốc (10 trụ sạc); cửa hàng xăng dầu (2 trụ sạc); bãi để xe của trung tâm thương mại (8-10 trụ sạc); các bến, bãi đỗ xe tĩnh (5-10 trụ sạc) và một số chung cư thương mại, văn phòng (7-9 trụ sạc). Những trạm sạc kể trên đều là trạm sạc hỗn hợp, nghĩa là bao gồm cả sạc nhanh DC (công suất từ 30-60 kW) và sạc chậm (11 kW).

Mặc dù vậy, kể từ khi các hãng xe bắt đầu vào cuộc đua dịch vụ taxi điện, một vấn đề mới đã nảy sinh trong cộng đồng người sử dụng ô tô điện tại Việt Nam. Một số người dùng chia sẻ, gần đây, một số trạm sạc trong nội đô bắt đầu có dấu hiệu “quá tải” ở những khung giờ nhất định.

“Một trạm có 5 trụ, sạc được 10 xe cùng lúc thì có đến 5-6 chiếc taxi đang cắm sạc, cộng thêm vài chiếc xe xăng ở đâu chạy đến để đỗ xe; thành ra, những chủ xe cá nhân như chúng tôi phải xếp hàng chen chúc ở mấy trụ sạc còn lại. Ở đây cũng có bảo vệ nhưng họ không nhắc nhở, xử lý được mấy xe xăng dừng đỗ sai quy định”, một người dùng bức xúc nói.

Đồng quan điểm, một thành viên trên một diễn đàn ô tô có tiếng chia sẻ: “Giờ kiếm trụ sạc nhanh trong thành phố khá khó khăn vì ai cũng thích sạc nhanh để tiết kiệm thời gian. Trụ sạc chậm cũng quá tải ở một số khung giờ như giờ nghỉ trưa vì các anh em tài xế taxi cũng lựa chọn khung giờ này để nạp thêm điện. Tôi nghe nói hãng xe có quy chế yêu cầu tài xế ưu tiên cho xe của cư dân, nhưng thực tế thì vẫn là ai đến trước thì người đó được sạc trước”.

Một số ý kiến khác bày tỏ lo ngại, do đặc thù ô tô điện cần thời gian sạc lâu hơn nhiều so với đổ xăng nên khi ngày càng có nhiều ô tô điện xuất hiện thì tình trạng thiếu trạm sạc sẽ càng thấy rõ.

Nhu cầu sạc pin tại nhà

 

 

Thông thường, các nhà sản xuất ô tô điện đều tặng kèm cho khách hàng một bộ sạc di động, giúp khách hàng có thể chủ động sạc pin tại nhà hoặc những nơi không có trạm sạc công cộng. Tuy nhiên, đa số các loại sạc di động này đều có công suất rất nhỏ, chỉ từ 2,2 – 3,5 kW. Nghĩa là, trên lý thuyết, có thể dùng bộ sạc này để sạc đầy 100% cho một chiếc VF e34 (pin 42 kWh) trong khoảng thời gian… 12-19 tiếng đồng hồ. Thời gian sạc trên thực tế sẽ thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố như tình trạng pin, chất lượng bộ sạc, dung lượng tối đa và tác động của môi trường. Khoảng thời gian chờ đợi nêu trên, theo đánh giá của người dùng là quá dài, không phù hợp để sạc đầy pin mà chỉ là “phao cứu sinh” khi không còn sự lựa chọn nào khác.

Từ thực trạng thiếu điểm sạc công cộng, trong khi sạc di động không đáp ứng được nhu cầu, nhiều người dùng quyết định mua thêm bộ sạc tại nhà (Home Charger) dạng treo tường với công suất lớn.

Trên thị trường, hiện có khá nhiều loại Home Charger được nhập khẩu từ nước ngoài và bán tại Việt Nam. Công suất của các bộ sạc này thường là 7 kW, 11 kW, 22 kW (đối với sạc AC), thậm chí có thể đăng ký thủ tục cấp điện 3 pha để lắp đặt sạc DC công suất 30 kW.

 

 

Hiện tại, Việt Nam chưa có quy định cụ thể về áp dụng chuẩn sạc bắt buộc cho ô tô điện như một số quốc gia phát triển. Tuy nhiên, kể từ khi VinFast chính thức phát triển xe điện, đi kèm hệ thống trạm sạc theo chuẩn AC type và DC CCS2 của Châu Âu thì gần như đã mặc định trở thành chuẩn sạc chung được sử dụng tại Việt Nam. Các hãng xe điện nhập khẩu khi đưa sản phẩm vào thị trường Việt Nam cũng đều sẽ thống nhất sử dụng một trong hai chuẩn sạc này, ví dụ như Hyundai Ioniq 5, Wuling Hongguang MiniEV, Kia EV6, Porsche Taycan v.v…

Ông Nguyễn Ngọc Cường, Tổng giám đốc Công ty CP EverEV, một công ty chuyên phân phối bộ sạc tại nhà nhận định, nhu cầu lắp đặt Home Charger tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh đang ngày càng tăng lên. “Do có sự tương thích về cổng sạc nên về cơ bản Home Charger sẽ sạc được cho hầu hết các loại ô tô điện đang có mặt tại Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi cũng đang là đối tác của VinFast, phụ trách mảng bảo trì, sửa chữa các loại trụ sạc. Riêng các sản phẩm của EverEV hiện đang chiếm 30% thị phần tại Việt Nam”, ông Cường nói.

Xu hướng chia sẻ bộ sạc tại nhà

 

 

Cũng theo đại diện EverEV, điều khó khăn nhất đối với các chủ xe điện là cần phải có mặt bằng để làm nơi đỗ xe, kết hợp lắp đặt Home Charger. Đây là một sự thiệt thòi lớn đối với các chủ xe đang sống ở chung cư hoặc trong ngõ, ngách nhỏ. Tuy nhiên, “cái khó lại ló cái khôn”, nhiều chủ xe đã nghĩ ra cách thỏa thuận với những gia đình có sẵn gara hoặc mặt bằng đủ rộng để lắp đặt Home Charger. Nếu chủ nhà cũng sử dụng ô tô điện thì có thể góp tiền mua bộ sạc về dùng chung và chia sẻ tiền điện hàng tháng thông qua số điện hiển thị trên mỗi lần nạp.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của giải pháp này là khó tính toán chính xác chính xác chi phí cho mỗi lần sạc pin. Do đó, một giải pháp nữa đó là sử dụng các loại Home Charger có tích hợp tính năng thanh toán trực tuyến. So với Home Charger thông thường, các bộ sạc này được tích hợp thêm phần cứng và phần mềm thanh toán, kết nối mạng Internet qua một modem riêng.

Cơ chế thanh toán của dịch vụ này tương tự như hệ thống thanh toán tại trạm thu phí không dừng của VETC. Nghĩa là, chủ xe tải ứng dụng của nhà cung cấp dịch vụ vào điện thoại thông minh, nạp tiền vào tài khoản trong ứng dụng. Mỗi lần kết thúc một lượt sạc pin, số tiền trong tài khoản sẽ bị trừ đi tương ứng với đơn giá sạc đã được niêm yết. Điều này giúp các chủ xe có thể tính toán chính xác chi phí sạc pin tại nhà cho chiếc xe của mình và thao tác thanh toán nhanh gọn, tiện lợi chỉ bằng vài nút bấm. Ngoài ra, thiết bị này còn hỗ trợ thanh toán các chi phí khác như phí đỗ xe theo giờ, phí phạt do không rút súng sạc khi đã đầy pin. Do đó, với bộ sạc Home Charger có tích hợp cổng thanh toán, các doanh nghiệp, cá nhân hoàn toàn có thể biến bộ sạc này thành một dịch vụ sạc tại chỗ, tương tự như các trạm sạc công cộng.

Bên cạnh đó, việc đầu tư thêm các bộ sạc treo tường, thậm chí là trụ sạc DC công suất lớn tại sân, bãi sẽ giúp các hãng taxi điện hoặc doanh nghiệp, tổ chức sở hữu nhiều xe điện chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển, giúp giảm tải tình trạng ùn tắc tại các trạm sạc công cộng như hiện nay.

Theo tính toán, một bộ sạc 22 kW hoặc 30 kW có thể giúp sạc đầy một chiếc VF e34 trong khoảng từ 1,5 – 2 tiếng đồng hồ. Đây là khoảng thời gian “lý tưởng” để sạc pin vào giờ nghỉ trưa hoặc bữa tối, giúp cho hành trình của người dùng không bị ngắt quãng.

Trong bối cảnh các mẫu xe điện mini giá rẻ của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang “ồ ạt” du nhập thị trường Việt thì Home Charger là một trong những “cứu cánh” cho nhiều người dùng hiện nay.

 

Tác Giả: Lê Vũ

Nguồn: VnEconomy

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *